Việt Nam nằm trong danh sách điểm đến ẩm thực châu Á. Khi ẩm thực phát triển, đòi hỏi chất lượng nguyên liệu tạo ra món ăn, cần nâng cao.
Lê Trần Thiên Hạnh đang là bếp trưởng phụ trách các món tráng miệng tại The Monkey Gallery Dining & Dessert Bar. Nữ đầu bếp trẻ này học làm bánh tại Pháp, sau đó, cô trở về nước làm việc. 6 năm qua, cô theo đuổi hành trình sáng tạo các món tráng miệng thuần Pháp. Đối với Hạnh, việc thay đổi từ sử dụng nguyên liệu cổ điển châu Âu sang sử dụng nguyên liệu địa phương Việt Nam, đang tạo ra hương vị khác biệt cho mỗi đĩa bánh tráng miệng.
Trong khi đó, 15 năm sống, làm việc tại Việt Nam, ông Timen Swijtink, Giám đốc điều hành Lacàph Espresso Bar đánh giá, hương vị cà phê Việt đã và đang xuất hiện tại nhiều nơi trên giới. Dẫu vậy, người nông dân cần tập trung tới chất lượng cà phê nguyên liệu thay vì sản lượng. Có như vậy, vai trò và giá trị của cà phê Việt trong lĩnh vực F&B (ngành dịch vụ ăn, uống) mới được nâng cao. “Nhiều nhà hàng ăn, uống Việt đã xuất hiện ở Tokyo, New York hay Amsterdam. Điều cần làm là kéo khách du lịch tới Việt Nam, để họ thưởng thức cà phê ngon, cà phê đặc sản, tạo sự tò mò của khách quốc tế thông qua ẩm thực”, vị Giám đốc nói.
Sự quan tâm của Thiên Hạnh hay Timen Swijtink tới F&B, cho thấy tiềm năng lớn của ẩm thực trong nước. Hồi đầu năm, chuyên trang du lịch nổi tiếng Travel and Leisure của Mỹ, cũng đã vinh danh Việt Nam là điểm đến ẩm thực tốt nhất châu Á trong danh sách Bucket List Places in Asia 2023. Thống kê từ iPOS, tính đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 338.600 nhà hàng/quán cà phê.
Sự phát triển của lĩnh vực ẩm thực trong nước kéo theo nhu cầu đa dạng hóa nguyên liệu, cần sự trao đổi sản phẩm chất lượng từ các quốc gia. Đơn cử, Lễ hội Bánh mỳ lần thứ nhất TP.HCM sắp diễn ra tới đây, sẽ có 120 nhà hàng, tiệm bánh mì, nhà cung cấp cả trong, ngoài nước xuất hiện, giới thiệu sản phẩm. Còn tại Tuần lễ Ẩm thực “Vị ngon xứ Hàn” diễn ra từ ngày 16-29/3 tại hệ thống MM, nguồn thực phẩm phong phú từ “xứ sở kim chi” cũng được giới thiệu cho khách hàng chuyên nghiệp, hộ gia đình cá nhân, hướng tới thúc đẩy trao đổi văn hóa ẩm thực giữa hai quốc gia.
Đối với F&B, giao thoa nguyên liệu, sản phẩm ẩm thực giữa các nước cũng ngày càng phổ biến. Dẫn chứng, mỗi tháng, SHOTT Beverages đưa về Việt Nam khoảng 3.000 chai (1 lít) nước ép trái cây cô đặc, siro cà phê để cung cấp cho nhà hàng, khách sạn, quán bar. Nhà sản xuất đến từ New Zealand nhận thấy tiềm năng tiêu thụ lớn từ nền ẩm thực Việt. Trong khi đó, Fonterra, một trong những nhà sản xuất thực phẩm từ bơ sữa lớn nhất thế giới cũng mở rộng danh mục nguyên liệu xuất sang Việt Nam như bơ, phô mai, sữa Anchor; Sanford, hãng thủy sản lớn và lâu đời New Zealand, giới thiệu vào Việt Nam cá hồi, tôm hùm tươi sống nguồn gốc bền vững từ biển Thái Bình Dương; Highford cung cấp loạt sản phẩm thịt cừu, thịt bò…
Đại diện Cơ quan Thương mại và phát triển doanh nghiệp New Zealand (NZTE) cho biết, những nguyên liệu chất lượng New Zealand từ lâu góp phần vào sự phát triển của ngành ẩm thực Việt Nam. Trước nhu cầu về các sản phẩm tươi sạch, bền vững, ngày càng nhiều nhà hàng, đơn vị cung cấp thực phẩm lựa chọn sản phẩm nguồn gốc New Zealand cho bếp ăn của mình. Hiện, một loạt nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu quốc gia này, muốn trở thành nguồn cung ứng cho nhà hàng, khách sạn Việt.
Bà Tredene Cherie Dobson, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, nhận định, những nguyên liệu hảo hạng của quốc gia này kết hợp với nền ẩm thực truyền thống, phong phú của Việt Nam, sẽ đưa ẩm thực trong nước lên tầm cao mới. “Với hương vị và cảm quan độc đáo, tôi tin các nguyên liệu thực phẩm từ New Zealand sẽ giúp thăng hoa các món ăn Việt Nam vốn đã nổi tiếng”, bà cho hay.