Chính sách tiền lương mới đang được hoàn thiện

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết bộ đang nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương.

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội với nhiều nội dung đáng quan tâm, trong đó có vấn đề cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm cũng như câu chuyện cải cách tiền lương.

Xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm

Đánh giá bổ sung kết quả năm 2022, Chính phủ cho biết, thu ngân sách đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%), đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Chính sách tiền lương mới đang được hoàn thiện
Cơ cấu tiền lương mới theo Nghị quyết 27

Tuy nhiên tăng trưởng GDP quý I năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); thu ngân sách có xu hướng giảm.

Chính phủ cũng dự báo khó khăn, thách thức còn rất lớn, nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm.

Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực…

Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương chú trọng những một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó có tăng cường quản lý thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên…

Cùng thời Chính phủ yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao đạo đức công vụ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện lộ trình cải cách tiền lương; khẩn trương hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, công tác nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế, bất cập cần được quan tâm.

Cơ quan thẩm tra nhắc lại Nghị quyết số 68/2022 đề ra nhiệm vụ, giải pháp “Triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc”.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về những nội dung này. Đặc biệt, trước việc hàng loạt cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật, khởi tố, truy tố về những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình điều hành, quản lý dẫn đến hiện tượng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức có thái độ né tránh trách nhiệm, kéo theo sự trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.

Điều này đã gây khó khăn, ách tắc trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành và đưa ra giải pháp cụ thể để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn tình hình triển khai xây dựng chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp

Liên quan đến cải cách tiền lương, trả lời báo VietNamNet, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết bộ đang nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương mới, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp cải cách chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong đó, việc xây dựng, ban hành bảng lương chức vụ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và sửa đổi mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh.

Hiện Bộ Nội vụ đã hoàn thiện báo cáo “kết quả thực hiện và lộ trình triển khai cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” để trình cấp có thẩm quyền.

Trong đó, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng phương án triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27.

Cụ thể là tăng mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng khu vực doanh nghiệp; mở rộng quan hệ tiền lương; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản và phụ cấp; bổ sung quỹ tiền thưởng.

Về nguồn tiền để thực hiện cải cách tiền lương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay, theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần giảm chi, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước trong 4 năm (2017-2021) là 25.638 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí này là nguồn ngân sách Nhà nước quan trọng để thực hiện tăng lương trong năm 2023 và các năm sau.

“Tôi hy vọng trong năm tới tình hình kinh tế trong nước khởi sắc, chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện lộ trình cải cách tiền lương với mục tiêu bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình họ, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Theo Thu Hằng (VietNamNet)

Tin tức Hay Zữ
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0