‘Cần nhìn nhận xuất khẩu lao động là nguồn gia tăng kiều hối’

Xuất khẩu lao động không còn là cách xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân như trước mà cần được nhìn nhận là nguồn gia tăng kiều hối, theo chuyên gia.

Ý kiến được bà Tạ Thị Thanh Thúy, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP HCM, chiều 22/5.

Theo bà Thúy, hiện có hơn 225.000 người Việt sinh sống tại Hàn Quốc, trong đó lao động đi xuất khẩu gần 50.000 người. Với lương tối thiểu 1.500 USD mỗi tháng, thu nhập của riêng lao động ở thị trường này là hơn 700 triệu USD mỗi năm. Hầu hết nguồn tiền của họ sẽ được gửi về gia đình.

Lao động Việt Nam làm việc tại nhà máy ở Nhật Bản. Ảnh: Thái Đệ

Lao động Việt Nam làm việc tại nhà máy ở Nhật Bản. Ảnh: Thái Đệ

“Trước đây xuất khẩu lao động được xem là xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân nhưng giờ cần được nhìn nhận là nguồn gia tăng kiều hối về nước”, bà Thúy nói và cho biết năm 2022, trong tổng nguồn kiều hối về Việt Nam là 19 tỷ USD, xuất khẩu lao động chiếm 3-3,5 tỷ USD, chiếm gần 20%.

Hiện, Việt Nam có 500 doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2019 đưa đi 150.000 người, năm 2021 có giảm nhưng xu hướng vẫn duy trì trên dưới 100.000 lao động, chủ yếu đi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Cùng với đó, nguồn kiều hối từ các nơi này cũng tăng lên và chiếm tỷ trọng lớn. Đơn cử, trong quý 1, kiều hối từ các nước châu Á chiếm đến 43% và tăng 84% so cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này từ Mỹ là 34%, châu Âu hơn 13%.

“Nguồn kiều hối qua kênh xuất khẩu lao động vẫn tiếp tục được duy trì nhưng cần nâng cao chất lượng có được mức lương tốt hơn”, bà Thúy nói và cho rằng cơ quan chức năng cần chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề, ngoại ngữ để lao động có công việc, thu nhập tốt hơn.

Ông Nguyễn Duy Anh, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, cũng cho hay hiện nước này mở ra nhiều cơ hội cho lao động qua chương trình kỹ năng đặc định với mức lương, chế độ tốt hơn chương trình thực tập sinh. Yêu cầu là lao động phải có tiếng Nhật và trải qua một kỳ thi được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.

“Trong khi các nước đã làm tốt thì Việt Nam vẫn chưa có động thái gì nên gây thiệt thòi cho lao động”, ông Duy Anh nói, đề nghị Việt Nam nhanh chóng tổ chức các kỳ thi chứng chỉ kỹ năng nghề cho lao động để nắm bắt cơ hội này.

Trong khi đó, TS Lê Thị Thanh Nhàn, giảng viên cao cấp, chuyên gia tài chính (Đại học Quốc gia Australia), cho rằng muốn có nguồn kiều hối ổn định, Việt Nam cần phải “trồng cây, tạo nguồn”. Trong đó, quan trọng nhất chính là nguồn đi xuất khẩu lao động bởi nguồn kiều hối từ kiều bào gửi về giúp đỡ gia đình, người thân có xu hướng giảm vì đời sống trong nước đã khá hơn.

Theo bà Nhàn, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi gia tăng lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài thì nguồn tiền gửi về nước sẽ tăng. Tuy nhiên phải tăng chất lượng nguồn lao động để có được mức lương tốt. Hiện, tại Australia, lao động Việt Nam thua Ấn Độ, Sri Lanka. Do đó, trong nước cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ, tay nghề cho lao động ngay từ lúc còn là học sinh để mở ra cơ hội tốt hơn sau này.

Theo TS Nhàn, nguồn kiều hối gửi về nhỏ lẻ nên hiện chỉ dừng ở chi tiêu hộ gia đình. “Cần có chính sách để tiền đó được ở lại trong tài khoản tiết kiệm và tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế trong nước”, bà nói.

Tin tức Hay Zữ
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0