Xử lý thế nào với hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh bị thu bảo hiểm trái luật?

Có hai hướng xử lý với chủ hộ kinh doanh cá thể bị thu bảo hiểm trái luật là thoái thu hoặc chi trả chế độ hưu trí với người đủ điều kiện, nhưng cách nào cũng vướng.

Cả nước hiện có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trong khi theo quy định họ không thuộc diện đóng, thống kê đến tháng 9/2016. Có người đóng 20 năm nhưng không được tính hưởng lương hưu đã làm đơn khởi kiện cơ quan bảo hiểm xã hội ra tòa án.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo hướng đưa các chủ hộ vào diện đóng bắt buộc, cho phép tính thời gian đã đóng để hưởng chế độ. Cơ quan này không muốn thoái thu BHXH (trả lại tiền) vì “sẽ rất phức tạp do họ không đồng thuận, ảnh hưởng quyền lợi”.

Ông Đinh Ngọc Quý, thành viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội

Ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Media Quốc hội

Từ góc độ của cơ quan giám sát, ông Đinh Ngọc Quý, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nói xử lý theo hướng nào cũng gặp vướng vì luật không quy định chủ hộ kinh doanh cá thể thuộc diện đóng BHXH bắt buộc nên không có căn cứ pháp lý. Song họ đã đóng góp lâu dài vào Quỹ Bảo hiểm xã hội nên các cơ quan chức năng cần sớm có phương án giải quyết.

Theo ông, trước tiên Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần rà soát và báo cáo chính xác số chủ hộ kinh doanh bị thu sai, số tiền thu sai, phân loại thời gian đóng, các chế độ họ đã hưởng. 4.240 chủ hộ là số tính đến năm 2016, trong khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra năm 2021 thu BHXH bắt buộc không đúng đối tượng 220 trường hợp là chủ hộ kinh doanh với hơn 3,5 tỷ đồng.

Sau rà soát, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phân loại, xem chủ hộ có nguyện vọng thế nào. Trong số hộ bị thu sai có người muốn tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc để hưởng hưu trí lẫn chế độ khác, quá trình vận động họ có thể đồng ý chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện, nhưng cũng có người muốn trả lại tiền.

Ông Quý cho rằng không nên tiếp cận theo hướng thu sai thì hoàn trả nguyên trạng (thoái thu), cũng không thể chuyển tất cả chủ hộ sang chế độ BHXH tự nguyện vì từ đầu họ đóng với tỷ lệ dành cho nhóm bắt buộc. “Cần giải quyết đúng nguyên tắc đóng – hưởng, nghĩa là chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc phải được hưởng đầy đủ quyền lợi của người tham gia khu vực này”, ông nói.

Về nguồn chi trả, chủ hộ đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội như các nhóm khác thì việc lấy tiền từ đây để chi chế độ dù họ không thuộc diện bắt buộc “cũng không phải là vấn đề khó khăn”. Quỹ đã hạch toán độc lập và tính toán cân đối thu – chi trên cơ sở đóng góp của các bên tham gia, ông Quý phân tích.

Ủng hộ việc đưa các hộ kinh doanh vào diện đóng bắt buộc để hưởng chế độ hưu trí, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân lập luận không thể vì cái sai của cơ quan thực hiện mà khiến hàng nghìn người tự giác đóng BHXH bắt buộc dù không thuộc diện lại phải chịu thiệt.

Nếu cấp có thẩm quyền không đồng ý với đề xuất thì phải thoái thu. Nhưng theo ông Huân, trả lại tiền cũng dở vì tính toán bù đắp tiền đóng hàng chục năm trời rất phức tạp, lại khiến các chủ hộ thiệt thòi. Việc trả lại tiền cũng tạo nên sự bất bình đẳng trong thụ hưởng hưu trí giữa nhóm chủ hộ bị thu sai và nhóm đóng BHXH tự nguyện giai đoạn sau này.

“Trả lại tiền có thể còn khiến lao động mất niềm tin hơn, khó thu hút người tham gia hơn trong khi chủ trương Nghị quyết 28 của Trung ương là mở rộng diện đóng BHXH”, ông Huân cảnh báo.

Sổ BHXH ghi nhận quá trình đóng theo diện bắt buộc những năm 2017 - 2018 của ông Nguyễn Viết Lâm, chủ hộ kinh doanh cá thể ở Tuyên Quang, dù từ năm 2016 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các địa phương dừng thu với nhóm này. Ảnh: NVCC

Sổ BHXH ghi nhận quá trình đóng theo diện bắt buộc những năm 2017-2018 của ông Nguyễn Viết Lâm, chủ hộ kinh doanh cá thể ở Tuyên Quang, dù từ năm 2016 Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu các địa phương dừng thu với nhóm này. Ảnh: NVCC

Xem xét trách nhiệm, lấy lại niềm tin cho người tham gia BHXH

Ông Đinh Ngọc Quý cho rằng cần xem xét trách nhiệm của các bên liên quan khi để tình trạng thu sai kéo dài hàng chục năm tại 54 tỉnh thành. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay năm 2016 đã chỉ đạo ngành dọc tại địa phương dừng thu sai và báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Nhưng theo phản ánh từ Ban Dân nguyện, việc thu sai từ tháng 1/2003 đến hết tháng 12/2021.

“Yêu cầu dừng thu từ năm 2016 song thu sai kéo dài tới tận năm 2021 là biểu hiện của tình trạng trên nói dưới không nghe. Lẽ ra khi phát hiện thu sai, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải xin phương án xử lý, không để dây dưa, phát sinh nhiều vấn đề”, ông Quý nói, thêm rằng cơ quan giám sát của Quốc hội về quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội không nhận được báo cáo, sau khi có phản ánh của Ban Dân nguyện.

Đánh giá vụ thu sai ảnh hưởng quyền lợi của nhiều người, có chủ hộ kiện ra tòa gây tác động đến tâm lý người tham gia, ông Quý kiến nghị cần sớm giải quyết thấu đáo để “tăng niềm tin vào hệ thống an sinh, không đẩy cái khó cho dân”.

Chung quan điểm, nguyên Thứ trưởng Huân cho rằng cần xử lý sớm vì ngoài quyền lợi của chủ hộ kinh doanh còn liên quan đến niềm tin của người lao động, tránh để người dân nhìn nhận không đúng về chính sách an sinh của nhà nước. Về lâu dài, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi cần sớm đưa nhóm chủ hộ kinh doanh cá thể vào diện đóng bắt buộc, nhưng không nhất thiết đóng – hưởng như mức cũ mà nên thiết kế tỷ lệ khác nhau cho họ có quyền lựa chọn.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT năm 2021 chỉ ra Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thu theo diện bắt buộc sai 220 chủ hộ kinh doanh với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng. Cơ quan này đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chấn chỉnh công tác quản lý thu, chi BHXH; kiểm tra, giám định chặt chẽ người thu, người hưởng đúng quy định; đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng giải quyết với trường hợp thu, chi sai quy định là chủ hộ kinh doanh cá thể.

Sơn Hà – Hồng Chiêu

Nguồn : vnexpress.net

Tin tức Hay Zữ
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0