Nguyễn Hữu Đường – từ người đạp xích lô đến ông chủ doanh nghiệp lớn

Từng kiếm sống bằng nghề chở bia bằng xích lô, ông Nguyễn Hữu Đường đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ và trở thành Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình. Hiện ông đang ấp ủ nhiều dự định giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam.

Nguyễn Hữu Đường – doanh nhân từng đạp xích lô thuê

Ông Nguyễn Hữu Đường còn có tên gọi khác là Đường “bia”, ông sinh năm 1954, ông Đường được biết đến như người đầu tiên thành lập công ty tư nhân sản xuất bia tại Hà Nội.

Công ty TNHH Hòa Bình được thành lập năm 1993 tại Hà Nội, hiện tại ông giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bao gồm bia, nguyên liệu bia, đồ uống, ông Đường bắt đầu mở rộng cơ nghiệp sang cả bất động sản, bán lẻ, sản xuất thép…

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường từng có những năm tháng chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1979, sau khi xuất ngũ, ông Đường bắt đầu theo đuổi giấc mơ làm giàu với ý chí sục sôi.

Ông Đường chia sẻ, từ năm 1981, ông đã kiếm sống bằng nghề chuyên chở thuê bia hơi bằng xích lô mỗi ngày. Mỗi ngày, ông chạy khắp phố phường Thủ đô năm nào và được trả tiền công 1 thùng bia trị giá 60 đồng (tương tương cả tháng lương một kỹ sư khi ấy).

Suốt nhiều năm rong ruổi với nghề đạp xích lô, ông đã tích lũy được một số tiền và nảy ra ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh. Cuối năm 1986, ông Đường quyết định mua đất thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình để tạo công ăn việc làm cho nhiều anh em đồng đội, trong đó có 7 thương binh. Tổ hợp của ông làm nhiều nghề như làm nút chai cho nhà máy rượu đến sản xuất nước ngọt, nước đá, đóng bia…

Năm 1988, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, ông và các đồng nghiệp chuyển sang làm nhà máy bia với và kinh doanh phát đạt. Từ đó, cái tên đại gia Đường “Bia” đã ra đời.

Nguyễn Hữu Đường - từ người đạp xích lô đến ông chủ doanh nghiệp lớn

Ông Nguyễn Hữu Đường – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình

Sau khi đã có của ăn của để, doanh nhân Đường “Bia” đầu tư thêm mảng BĐS và trở thành “đại gia” BĐS có tiếng ở đất Hà thành. Công ty TNHH Hòa Bình ngày càng phát triển mạnh mẽ với hàng chục công ty thành viên, tổng tài sản đạt tới nhiều ngàn tỷ đồng.

Chia sẻ về bí quyết thành công, ông Đường nói: “Những gì tôi có được ngày hôm nay phần lớn đến từ may mắn. Ngoài ra sự thông minh, nhanh nhạy, bản lĩnh của người đứng đầu và sự trung thực cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của doanh nghiệp. Không chỉ vậy, lãnh đạo doanh nghiệp phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi cái mới”.

Có sở thích “dát vàng mọi thứ”

Đại gia Đường bia là ông chủ của nhiều chung cư cao cấp, dự án đình đám tại Hà Nội, Đà Nẵng. Chính nhờ dát vàng mà các bất động sản của do ông Đường đầu tư nổi như cồn và căn hộ, khách sạn dát vàng đã trở thành thương hiệu riêng của đại gia ‘Đường bia’.

Từ anh đạp xích lô đến đại gia giàu kếch xù, nguyện hiến tặng 50% tài sản

Từ anh đạp xích lô đến đại gia giàu kếch xù, nguyện hiến tặng 50% tài sản

Ông có sở thích dát vàng tất cả mọi thứ

Đầu tiên, ông gây bất ngờ với giới kinh doanh bất động sản khi dát vàng thành lan can căn hộ, phào chỉ sảnh đón của toà nhà đầu tiên thuộc dự án Hoà Bình Green City tại 505 Minh Khai, Hà Nội. Nhưng đến toà nhà tiếp theo, ông mạ vàng cả những chi tiết kim loại trong nhà vệ sinh như vòi hoa sen, nút ấn, thanh treo. Đến toàn nhà Danang Golden Bay, còn chơi trội hơn khi dát vàng cả bồn rửa mặt, bệ xí và bồn tắm. Thậm chí, bể bơi vô cực trên nóc toà nhà 27 tầng nhìn ra vịnh Đà Nẵng cũng lát bằng gạch dát vàng. Rồi đến khách sạn Hà Nội Golden Lake, ông phủ vàng từ nội thất đến ngoại thất tòa nhà.

Chia sẻ với báo chí, ông cho biết chuyện dát vàng bắt đầu từ 1 lời hứa. “Hồi làm công trình ở Hoàng Quốc Việt, tôi sang Nga và được bạn bè mời đến tòa nhà dành cho thương nhân. Ở đó có 4 thang máy được mạ vàng và giá đắt gấp 4-5 lần các khách sạn khác. Khi về Việt Nam, tôi tuyên bố sẽ mạ vàng 24k tất cả các cửa thang máy. Khi đó nhiều người đã cười vì nghĩ chuyện này không thể làm được”, ông từng chia sẻ với báo chí.

Và quả thực, khi tìm mua thang máy ở Nhật Bản, không hãng nào dám nhận làm cửa thang máy mạ vàng mà chỉ mạ titan vàng (một hợp kim của vàng). “Khi lặp xong thang máy mạ titan, nhiều người nói tôi ngông vì chuyện muốn mạ vàng trước đó. Vì thế, tôi giao cho giám đốc một công ty cơ khí, tìm bằng được một thợ mạ từng du học ở Nga về để mạ vàng lên thang máy”, ông nói.

Bể bơi vô cực đầu tiên tại Việt Nam của đại gia Đường “bia”

Năm 2015, ông tiếp tục gây “sốc” khi đầu tư xây dựng chuỗi trung tâm thương mại trên khắp cả nước để miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam. Lý do mà ông Đường đưa ra cho kế hoạch này là bởi ông muốn hỗ trợ ngành sản xuất trong nước phát triển, cạnh tranh với các công ty nước ngoài mà ông cho rằng hiện đang chiếm lĩnh thị trường.

Không những thế, ông Đường còn xây cả một khu công viên gồm 10 kỳ quan thế giới thu nhỏ, trong đó Tháp Rùa, Khải Hoàn Môn, Kim Tự Tháp được dát vàng 24K. Toàn bộ lan can căn hộ cũng được dát vàng 18K, các thiết bị vệ sinh, khoá cửa đều được phủ vàng 24K.

Ấp ủ công trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Không dừng lại ở những thành quả đã đạt được, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường tiếp tục ấp ủ triển khai là Dự án TTTM Outlet V+ mang ý nghĩa xã hội lớn.

Ông Đường cho biết, dự án là khát vọng TTTM Outlet V+ tại Thủ đô Hà Nội và sau đó trải rộng đến 62 tỉnh/thành còn lại của đất nước. Điều “khác người” của mô hình này chính là miễn phí tiền thuê mặt bằng cho người kinh doanh. Mục đích là để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có “đất” kinh doanh hàng Việt Nam. Ông muốn hỗ trợ tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trước áp lực của hàng ngoại ngày một nhiều.

Doanh nhân Đường “Bia” chia sẻ: “Ví dụ như Aeon Mall bán hàng của Nhật, Lotte bán hàng của Hàn Quốc, Big C bán hàng của Thái, còn Việt Nam có gì? Nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại do người Việt mở ra, nhưng không hoàn toàn bán hàng Việt Nam và cũng không miễn phí tiền thuê mặt bằng cho doanh nghiệp”.

Với mô hình này, người tiêu dùng trong nước sẽ có cơ hội mua sắm hàng Việt tốt với giá rẻ. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cũng có cơ hội phát triển và thu hút khách du lịch đến Việt Nam.

Muốn thu hút khách du lịch thì phải có các sản phẩm có chất lượng tốt, giá rẻ. Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường cho hay: “Toàn bộ hàng hóa được bán tại TTTM Outlet V+ sẽ được mua bảo hiểm để khẳng định chất lượng. Nhằm khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các gian hàng sẽ được thuê mặt bằng 10 năm với giá thuê chỉ 1.000 đồng/m2, phí dịch vụ bằng 70% mức phí mà các TTTM trong nước đang thu”.

Phối cảnh tổng mặt bằng dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, Outlet, nhà ở Hòa Bình

Để thực hiện một công trình đặc biệt như vậy, ông Đường đã phải đi nhiều nơi thực tế, học hỏi kinh nghiệm nhiều mô hình phát triển kinh tế trên thế giới, như Trung Quốc, Dubai…

Theo ông Đường, xây dựng và vận hành một TTTM lớn là việc khó khăn, người đứng đầu doanh nghiệp phải thông minh, nhanh nhạy, biết kết hợp, huy động, sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý. Ông sẵn sàng thuê các chuyên gia chuyên nghiệp, chất lượng cao đến từ các quốc gia khác như: Mỹ, Đức, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến làm việc tại dự án. Tuy nhiên, ông vẫn phải giữ vai trò “nhạc trưởng” trong tất cả các khâu, dự án.

Đại gia Nguyễn Hữu Đường hy vọng rằng, việc ấp ủ chiến lược đầu tư xây dựng TTTM Outlet V+ theo mô hình không thu tiền mặt bằng của người bán hàng tại 63 tỉnh/thành cả nước sẽ là giải pháp tối ưu giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có điều kiện tiêu thụ sản phẩm trong nước.

Ông Nguyễn Hữu Đường nguyện hiến tặng 50% tài sản

Là đại gia tiền nhiều vô kể nhưng trong cuộc sống, ông là người giản dị, ăn trưa cũng ăn cùng mọi người trong công ty, đồ dùng kiểu cách đơn giản, phòng làm việc của ông 30 năm nay vẫn chỉ có mười mấy m2. Mỗi khi làm việc với đối tác nước ngoài, ông phải thuê phòng làm việc khác để tiếp khách.

Ông từng chia sẻ với báo chí khi nào nghỉ kinh doanh, ông giao lại sự nghiệp cho con trai và sẽ trích lại 50% tài sản cho Quỹ khắc phục hậu quả chiến tranh và giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Sau bàn làm việc của ông Đường treo một tấm biển nền đỏ, chữ vàng: “Hãy làm điều mình ước muốn cho người khác”. Ông luôn có gắng làm thật nhiều việc cho đồng đội, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Tổng số lao động của Tập đoàn Hoà Bình đã trên 2.000 người, trong đó phần lớn là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và con em các gia đình chính sách. Nếu con em liệt sĩ thi đỗ đại học cũng sẽ được Công ty tặng cho cái xe máy, tốt nghiệp THPT hay đạt học sinh giỏi đều được phần thưởng giá trị…

Ông Đường tâm sự, những gì Hòa Bình Group đang làm là lời tri ân đến những đồng đội của ông đã ngã xuống. “Những người cựu chiến binh, thương binh như chúng tôi đều luôn đau đáu trong lòng rằng, khi nhắm mắt xuôi tay gặp lại những đồng đội đã hy sinh, có thể tự tin nói rằng, mình làm được một điều ý nghĩa cho đất nước”, ông Đường trải lòng.

Nguồn: Vietnamnet

>>>Xem thêm bài viết: Bà Nguyễn Phương Hằng từng là tay buôn bất động sản có tiếng – BĐS Hayhomes

Tin tức Hay Zữ
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0