Bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu dẫn đầu tăng trưởng khu vực phía Nam
Bà Rịa – Vũng Tàu dẫn đầu nhóm tăng trưởng mạnh nhất
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 10/2021 của Batdongsan.com.vn, hậu giãn cách xã hội, hoạt động giao dịch bất động sản trên cả nước có xu hướng sôi động trở lại. Đặc biệt, việc dịch bệnh được kiểm soát tích cực khiến mức độ quan tâm nhà đất tại nhiều tỉnh thành phía Nam bùng nổ.
Cụ thể, trong tháng 10/2021, nhu cầu giao dịch đất nền, nhà phố khu vực TP.HCM và các tỉnh vệ tinh phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng trưởng ấn tượng so với tháng trước đó. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu là thị trường đứng đầu về thu hút người mua đất nền, nhà phố với mức tăng ấn tượng nhất tới 73%.
Lý giải cho việc nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu tăng vọt sau giãn cách, các chuyên gia cho rằng, lực đẩy hạ tầng, dự án lớn và chủ trương đầu tư là nguyên nhân khiến bất động sản khu vực này được quan tâm.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giai đoạn 2016 – 2020, tổng nguồn vốn ngân sách huy động cho đầu tư công là 34.632 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Quyết định số 198 của UBND tỉnh ngày 25/1/2021, về kế hoạch đầu tư công của tỉnh này cho biết, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư công khoảng 112.351 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư công của Bà Rịa – Vũng Tàu trong 5 năm tới tăng gấp 3 lần so với 5 năm vừa qua.
Mới đây, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư 19.616 tỉ đồng. Mục tiêu dự án là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP HCM – Vũng Tàu, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Bên cạnh đó, hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm khác cũng được đưa vào kế hoạch triển khai từ 2021 – 2025 như: Dự án cầu Phước An, kết nối thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Na; Dự án Đường 991B từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép… Việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng sẽ là đòn bẩy phát huy các thế mạnh của địa phương, đặc biệt là cảng biển, công nghiệp và dịch vụ – du lịch. Những tín hiệu tích cực về hạ tầng trên đã thúc đẩy các doanh nghiệp bất động sản tái khởi động các dự án sau thời gian giãn cách.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá các loại đất định kỳ 5 năm (2020 – 2024). Việc điều chỉnh bảng giá các loại đất này sẽ được áp dụng trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2024.
Chuyên gia nhận định, việc tăng giá đất theo bảng giá mới sẽ khiến giá đền bù và chuyển mục đích sử dụng đất tăng, kéo theo việc tăng giá ở các dự án bất động sản. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nhanh nhạy sẽ chọn thời điểm trước khi tăng giá để mua vào, nhằm có bước lợi nhuận khi bảng giá đất mới được áp dụng.
Bất động sản vùng ven tiếp tục giữ vị thế sau dịch
Theo các chuyên gia, hiện nay tiền đầu tư trong dân còn khá lớn, chỉ vì dịch diễn biến phức tạp nên một số nhà đầu tư có tâm lý chần chừ “xuống tiền”. Nếu dịch được kiểm soát tốt vào cuối năm thì chắc chắn bất động sản vẫn sẽ là phân khúc được đa số lựa chọn. Dự báo, sau dịch nhiều nhà đầu tư sẽ chốt lời từ chứng khoán chuyển sang bất động sản, trong đó có phân khúc đất nền – phân khúc mà đã từng “tạo sóng” vào thời điểm đầu năm 2021 là “món hời” được quan tâm.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, nếu dịch được kiểm soát tốt, vào cuối năm rất có thể sẽ diễn ra “đợt sốt nhẹ” ở phân khúc đất nền tại các tỉnh lân cận TP.HCM. Khi đó, giá đất sẽ tăng lại, ít nhất là 10-20% hoặc hơn nữa. Thị trường sẽ có làn sóng đầu tư đất nền sau khi dịch được kiểm soát.
Theo vị chuyên gia này, hiện lãi suất ngân hàng thấp, dòng tiền trong dân còn lớn, họ cũng không biết đầu tư vào đâu, tâm lý an toàn vẫn là bỏ vào bất động sản. Do vậy, sau dịch Covid-19 nhiều người muốn mua mảnh đất xa thành phố để đó sau này làm secondhome, nhà vườn, hay của để dành…là xu hướng dễ thấy. Hơn nữa, dịch kiểm soát tốt, kinh tế phát triển trở lại, dĩ nhiên kéo theo thị trường bất động sản tăng theo.
Cũng đánh giá về kịch bản thị trường sau dịch, ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng Giám đốc Ngọc Á Châu nhận định, thị trường đất nền sẽ có đợt sốt nhẹ vào cuối năm. Nguyên nhân là do thị trường đã phải trải qua thời gian chờ đợi quá lâu vì dịch bệnh.
Tại TP.HCM, 2 năm nay trở lại đây gần như không có sản phẩm mới bởi những siết chặt về pháp lý. Trong thời gian này, làn sóng nhà đầu tư và doanh nghiệp đổ về vùng ven như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… đã khiến cho giá các khu vực này tăng lên rất cao sau nhiều đợt sốt. Do đó, ông Hạnh dự báo tới đây thị trường sẽ đón xu hướng mới là giãn về các vùng ven ra xa hơn như Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng…
Xét tổng quan, các khu vực này quỹ đất rộng, giá mềm nên cơ hội đầu tư vẫn còn gia tăng. Ngoài ra, chính sách kích cầu đầu tư công sau dịch sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều người cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản. Một khi đầu tư công tăng lên, xu hướng bất động sản ăn theo cao tốc hạ tầng sẽ càng được thể hiện rõ nét. Khi đó, dòng tiền từ chứng khoán và các kênh đầu tư nhỏ lẻ khác sẽ từ từ chuyển hướng về bất động sản.
“Hàng loạt các tuyến cao tốc đang được triển khai như cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành, tuyến đường Vành đai 3 sẽ tạo thành một cung đường thẳng giúp kết nối từ Long Thành (Đồng Nai) về Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết, Lâm Đồng một cách thuận lợi hơn. Từ đó, tạo đà cho bất động sản bật lên sau thời gian bị siết chặt về các hoạt động xã hội. Trong đó, các sản phẩm đất nền với mức giá vừa túi tiền 1-3 tỷ đồng sẽ hưởng lợi lớn”, ông Hạnh nhấn mạnh.
>>> https://blog.hayzu.com/blog/ba-ria-vung-tau-phat-trien-hang-loat-du-an-ha-tang-giao-thong-lon-trong-vai-nam-toi/ <<<