4 trụ sở ‘đất vàng’ tại Bình Dương: Đấu giá xong rồi, giờ đòi lại được không?

Cách đây hơn sáu năm, một người phụ nữ trúng đấu giá bốn trụ sở công được coi là đất vàng tại Bình Dương, ngân sách thu được hơn 257 tỉ đồng. Nay Thanh tra Chính phủ công bố kết luận, đề nghị xem xét hủy kết quả đấu giá “nếu đủ điều kiện”.

Khu đất được đấu giá là trụ sở cũ Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương có diện tích hơn 5.700m2 tại phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một tiếp giáp hai tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám và đường 30-4 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Khu đất được đấu giá là trụ sở cũ Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương có diện tích hơn 5.700m2 tại phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một tiếp giáp hai tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám và đường 30-4 – Ảnh: CHÂU TUẤN

Đây là một trong những nội dung tiêu biểu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ mới ban hành về giải quyết khiếu nại tố cáo, quản lý đất đai, tài sản công, các dự án chuyển mục đích sử dụng đất, công tác cấp giấy chứng nhận… trên địa bàn tỉnh Bình Dương (thời kỳ 2011-2019).

Đoàn thanh tra làm việc từ cuối năm 2020 nhưng đến 2023 mới có kết luận.

Sai sót ở xác định giá khởi điểm khi đấu giá

Bốn khu đất vàng được Thanh tra Chính phủ đề cập từng là trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước tỉnh Bình Dương, có vị trí khá đẹp tại TP Thủ Dầu Một gồm đất và tài sản trên đất.

Đó là trụ sở Sở Giao thông vận tải nằm góc đường Cách Mạng Tháng Tám và đường 30-4 (đối diện bến xe tỉnh Bình Dương) rộng hơn 5.700m2, trụ sở Sở Công Thương nằm trên quốc lộ 13 rộng hơn 4.100m2, trụ sở Hội Chữ thập đỏ (182 Lý Thường Kiệt) rộng hơn 1.600m2 và trụ sở Hội Cựu chiến binh (100 Ngô Quyền) rộng 218m2.

Vào đầu năm 2017, từ hợp đồng ký với Sở Tài chính, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp) đã tiến hành bán đấu giá.

Sau ba lần không có ai mua, tới lần thứ tư thì bà V.T.A.T. (48 tuổi, ngụ TP Thuận An) đã trúng đấu giá cả bốn trụ sở công đó với tổng số tiền hơn 257 tỉ đồng. Bà T. đã trả toàn bộ số tiền trúng đấu giá và được Nhà nước bàn giao bốn trụ sở này quản lý, sử dụng.

Tuy nhiên, bất ngờ mới đây, trong kết luận thanh tra đất đai tại tỉnh Bình Dương, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc xác định giá khởi điểm khi đấu giá lần thứ tư không đúng trình tự, thủ tục nên đề nghị UBND tỉnh Bình Dương “xem xét hủy kết quả đấu giá nếu đủ điều kiện”. Kết luận của Thanh tra Chính phủ không nêu điều kiện cụ thể để hủy kết quả đấu giá là gì.

Theo Thanh tra Chính phủ, sau mỗi lần đấu giá không có người mua, các trụ sở được giảm giá khởi điểm 3% và tại lần đấu giá cuối cùng (lần thứ tư, đấu giá thành công) thì chứng thư thẩm định giá quá hạn mà không được thuê đơn vị thẩm định giá lại là chưa đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ cho rằng “có khả năng tính toán giá khởi điểm của tài sản chưa chính xác” và đề nghị UBND tỉnh Bình Dương phải “đình chỉ giao dịch, tổ chức xác định lại giá theo giá thị trường tại thời điểm bán đấu giá”.

Khu đất từng là Nhà khách tỉnh Bình Dương trên đường Bạch Đằng có vị trí đắc địa với mặt tiền sông Sài Gòn sau khi được giao không qua đấu giá cho Công ty Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương thì lại tiếp tục được chuyển sang một doanh nghiệp tư nhân làm khách sạn và nhà hàng  - Ảnh: CHÂU TUẤN

Khu đất từng là Nhà khách tỉnh Bình Dương trên đường Bạch Đằng có vị trí đắc địa với mặt tiền sông Sài Gòn sau khi được giao không qua đấu giá cho Công ty Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương thì lại tiếp tục được chuyển sang một doanh nghiệp tư nhân làm khách sạn và nhà hàng – Ảnh: CHÂU TUẤN

Người trúng đấu giá có thể khởi kiện

Thanh tra Chính phủ có đề nghị nhưng trên thực tế, việc xem xét hủy kết quả đấu giá không đơn giản, do đã qua nhiều năm, giá thị trường đã biến động tăng và người trúng đấu giá có thể khởi kiện.

Sở Tài chính tỉnh Bình Dương cho rằng khi đó các tài sản công đã được đấu giá công khai và phù hợp với tình hình thực tế.

Một cán bộ am hiểu vụ việc cho biết về bản chất thì việc thiếu sót trong trình tự thủ tục không làm thay đổi bản chất là các tài sản công đã được bán đấu giá công khai, thu tiền về cho Nhà nước.

Một cựu lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Bình Dương nhớ lại vào thời điểm bán đấu giá các trụ sở công, giám đốc sở này được đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chất vấn công khai về việc sắp xếp, xử lý các tài sản công, có tình trạng trụ sở cũ bỏ hoang.

Báo chí khi đó cũng phản ánh sau khi các sở, ngành dời vào tòa nhà Trung tâm hành chính thì các trụ sở cũ để cỏ mọc lãng phí, phải tốn ngân sách thuê người trông coi trụ sở, dọn dẹp vệ sinh…

Vì vậy, cơ quan chức năng của tỉnh thúc đẩy việc bán đấu giá với mong muốn sắp xếp hiệu quả tài sản công và thu số tiền lớn cho ngân sách thời điểm đó. Trong các trụ sở được đấu giá, trụ sở Sở Giao thông vận tải tuy là “lô góc hai mặt tiền đường” nhưng lại rất gần trạm biến thế điện nên người mua có phần e ngại.

“Do tài sản đấu giá ba lần không có người mua nên ở lần đấu giá thứ tư nếu thẩm định lại giá khởi điểm sẽ phải giảm giá và tốn thêm chi phí cho ngân sách. Vì vậy khi đó các sở, ngành của tỉnh đã họp lại và thống nhất trình UBND tỉnh tiếp tục cho tổ chức đấu theo giá khởi điểm gần nhất” – vị cán bộ nhớ lại.

Về ý kiến của Thanh tra Chính phủ yêu cầu xem xét hủy kết quả đấu giá bốn trụ sở công sau hơn sáu năm, việc này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, việc xem xét hủy kết quả bán đấu giá không đơn giản vì tới nay giá thị trường của các tài sản trên đã gấp nhiều lần thời điểm đấu giá. Nếu nay hủy kết quả đấu giá thì có thể người trúng đấu giá sẽ kiện cơ quan quản lý và đòi bồi thường thiệt hại.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu để tham mưu, đề xuất triển khai các kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Ông Hà Văn Út, giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, cho biết sở sẽ họp với những cá nhân, đơn vị liên quan và có tham mưu trình UBND tỉnh về hướng xử lý đối với những nội dung của kết luận thanh tra.

Thu hồi 4 trụ sở công khác

Ngoài bốn trụ sở công được đấu giá nói trên, Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu tỉnh Bình Dương xử lý bốn trụ sở khác được giao cho doanh nghiệp không qua đấu giá.

Cụ thể, các trụ sở cũ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhà khách Tỉnh ủy và văn phòng Tỉnh ủy được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương từ tháng 7-2017.

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc giao các trụ sở này cho doanh nghiệp (dù đây là doanh nghiệp nhà nước 100% vốn thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) mà không thông qua đấu giá là trái với quy định của điều 118 Luật Đất đai và điều 43 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đáng nói là bốn trụ sở công trên được giao lại cho các doanh nghiệp khác kinh doanh. Như nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương nằm tại vị trí đắc địa trên đường Bạch Đằng, mặt tiền sông Sài Gòn nay đã biến thành khách sạn và nhà hàng của một công ty bất động sản tư nhân.

Khi Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra, UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định (ký tháng 4-2021) thu hồi bốn trụ sở từng giao cho Công ty Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tới ngày 17-5, nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương vẫn đang được đơn vị tư nhân kinh doanh khách sạn, nhà hàng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng việc bốn trụ sở công nói trên đã có quyết định thu hồi, không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tỉnh Bình Dương cần có phương án quản lý, sử dụng hiệu quả các tài sản này.

Tin tức Hay Zữ
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0