Doanh thu từ bảo hiểm trong quý I của nhiều nhà băng chỉ bằng 50% cùng kỳ, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng cao.
Bức tranh tài chính của nhóm ngân hàng trong quý đầu năm nay, ngoài tốc độ chậm lại của lợi nhuận, nợ xấu tăng cao, còn là sự suy giảm của mảng bảo hiểm – lĩnh vực được xem là “gà đẻ trứng vàng” những năm gần đây.
Xét về biên độ, Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Tiên Phong (TPB) có mức giảm mạnh nhất. Trong quý đầu năm nay, thu phí dịch vụ kinh doanh, dịch vụ bảo hiểm và tư vấn của TPBank ghi nhận hơn 116 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, thu từ hoa hồng bảo hiểm của VIB cũng giảm gần 50%, từ mức 214 tỷ trong quý I/2022 xuống còn 118 tỷ đồng.
MB – ngân hàng dẫn đầu về hoạt động bảo hiểm dù chưa có thỏa thuận độc quyền – cũng ghi nhận doanh thu giảm hơn 10% trong quý đầu năm nay. Nhà băng này trực tiếp sở hữu hai công ty bảo hiểm là MIC (MB sở hữu 68,37%) và MB Ageas Life (61%), trong cả hai phân khúc nhân thọ và phi nhân thọ.
Với quy mô nhỏ hơn, song mức giảm của SeaBank với mảng hoạt động này cũng ghi nhận hơn 50%. Thu từ dịch vụ đại lý bảo hiểm của nhà băng này chỉ đạt hơn 22 tỷ đồng trong quý I năm nay, so với mức gần 50 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Một số ngân hàng khác có thỏa thuận độc quyền về phân phối bảo hiểm nhưng không thuyết minh chi tiết về doanh thu mảng này trong quý I.
Mức giảm của mảng bảo hiểm là một phần lý do thu từ dịch vụ của nhiều nhà băng thấp hơn cùng kỳ.
Trong số 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán, có 11 nhà băng ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ sụt giảm trong quý đầu năm nay, trong đó có MBB, SeaBank hay VIB – những ngân hàng ghi nhận doanh thu mảng bảo hiểm giảm.
Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MB chỉ đạt gần 700 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm nay, so với mức 1.100 tỷ cùng kỳ năm trước. Vietcombank, SeaBank, Sacombank đứng đầu với mức giảm với biên độ 47-57%. Riêng NCB là ngân hàng duy nhất lỗ thuần từ hoạt động dịch vụ.
Với TPBank, dù mảng bảo hiểm giảm mạnh, ngân hàng này vẫn ghi nhận lãi thuần từ dịch vụ tăng 36% cùng kỳ nhờ thu từ dịch vụ thanh toán và các hoạt động khác. Tương tự, một số ngân hàng khác có hoạt động dịch vụ tăng cao trong quý I như VPBank, VietinBank, SHB, BIDV hay HDBank.
Bancassurance, sự kết hợp của hai thuật ngữ ngân hàng (bank) và bảo hiểm (Assurance), được xem là “mỏ vàng” cho các nhà băng những năm gần đây. Bán chéo kiểu này giúp bên bảo hiểm khai thác tệp khách hàng lớn từ ngân hàng, giảm thiểu chi phí mở rộng; còn các nhà băng gia tăng nguồn thu, tận dụng những khách hàng mua bảo hiểm để đẩy mạnh dịch vụ khác.
Nửa đầu năm 2022, riêng nguồn thu phí bảo hiểm qua kênh Bancassurance đã chiếm 41% tổng doanh thu khai thác mới của doanh nghiệp bảo hiểm. Tỷ lệ này được dự báo sớm đạt 50% trên tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngân hàng vượt qua các đại lý trở thành kênh kiếm tiền chủ lực cho các công ty bảo hiểm.
Tuy nhiên, “con gà đẻ trứng vàng” của các nhà băng cũng đang để lộ nhiều vấn đề.
Đi cùng với những khoản phí trả trước hàng nghìn tỷ đồng, tỷ lệ chi hoa hồng cao là những áp lực về mặt doanh số (KPI) mà các nhà băng phải đáp ứng với các công ty bảo hiểm. Áp lực này, sau đó, được chuyển đến chính những người thực hiện tư vấn bảo hiểm – các nhân viên giao dịch hoặc tín dụng.
Năm trước, nhiều người dân phản ánh thực trạng vay ngân hàng bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm. Một số khách hàng cũng cho biết bị tư vấn không đúng, dẫn tới việc bỏ tiền mua bảo hiểm đội lốt các sản phẩm “tiết kiệm đầu tư”.
Đầu năm nay, trong bối cảnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng lộ nhiều vấn đề, một số nhà băng đã loại bỏ tên gọi về chỉ tiêu (KPI) doanh số bảo hiểm, thay vào đó là cách gọi khác hoặc tính chung vào KPI về phí.
Tại một nhà băng tư nhân trong top đầu thị trường, chỉ tiêu doanh số bảo hiểm nhân thọ được thay thế bằng chỉ tiêu “doanh thu phí thuần”, được tính chung từ phí các sản phẩm tín dụng, cho vay kinh doanh, tiêu dùng, bán bảo hiểm. Tại một ngân hàng tư nhân khác, chỉ tiêu “thu phí từ hoạt động bán bảo hiểm” được chuyển thành “thu phí tư vấn tài chính”.