Nhân sự học Oxford cũng phải đào tạo lại nhưng có một thứ không thể thiếu

Theo các chuyên gia, sinh viên tốt nghiệp trường nổi tiếng cũng cần đào tạo lại để thích nghi công việc. Nhân sự trẻ ắt thiếu kiến thức, kinh nghiệm thực tế nhưng thứ không được thiếu là sự tự tin.

Đó là vấn đề được các chuyên gia nhân sự đặt ra tại tọa đàm “Dự báo nhu cầu nhân lực khối kinh tế – kinh doanh quản lý vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2023-2030” thuộc khuôn khổ ngày hội việc làm đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức mới đây.

Nhân sự học Oxford cũng phải đào tạo lại nhưng có một thứ không thể thiếu - 1
Sinh viên đặt câu hỏi tại tọa đàm (Ảnh: H.N).

Ông Trần Nhựt Hải, Giám đốc Trung tâm khách hàng cao cấp niềm Nam, Ngân hàng Quân đội đưa ra quan điểm nhân sự trẻ muốn khẳng định được mình cần có sự khác biệt. Ngoài kiến thức ở trường học, nhân sự phải cập nhật kiến thức bên ngoài thế giới, chuẩn bị năng lượng về mặt tinh thần, hình ảnh, tìm hiểu công việc, tổ chức sẽ làm…

Điều này, theo ông Hải sẽ phản ánh mỗi cá nhân thuộc “chân dung” nhân sự nào. Ông Hải phân chia các nhân sự trẻ gồm 2 dạng, một là những người rất chủ động, chuẩn bị mọi thứ để thích nghi, đón nhận những gì cần đối mặt. Tâm thế này sẽ giúp những người đó sớm trở thành nhân sự “top” tại các cơ quan, đơn vị. Loại “chân dung” còn lại là những người bị động, mặc kệ.

Ông Dương Ngọc Thanh, Trưởng phòng khách hàng cá nhân, chứng khoán Rồng Việt cho hay, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chứng khoán cực kỳ rất lớn nhưng khi phỏng vấn, làm việc với các cử nhân vừa ra trường đều dễ nhận thấy họ thiếu cả kiến thức và kinh nghiệm, theo ông Thanh, đây là điều bình thường với các nhân sự trẻ mà ngay cả sinh viên tốt nghiệp những trường nổi tiếng trên thế giới cũng gặp phải.

Người này dẫn câu chuyện của một sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học Oxford. Nhân sự này chia sẻ rằng ngay cả khi tốt nghiệp Oxford, khi vào làm tại một ngân hàng thì doanh nghiệp sử dụng lao động cũng phải đào tạo lại. Vì kiến thức ở trường là kiến thức nền tảng, còn khi đi làm nhân sự cần những kiến thức thực tế.

“Chắc chắn khi ra trường, nhân sự trẻ sẽ thiếu kiến thức và kinh nghiệm nhưng thứ các bạn không được thiếu là sự tự tin. Mỗi nhân sự cần cho người sử dụng lao động thấy sự tự tin của mình để có thể đi tiếp con đường sắp tới hay không?”, vị diễn giả nhấn mạnh.

Nói về nhu cầu nhân sự phải đa năng, ông Đinh Vũ Quốc Trung, GĐ học viện FPT Software miền Nam cho biết, dù là lĩnh vực công nghệ nhưng doanh nghiệp rất cần tuyển các nhân sự có kiến thức về kinh tế, giỏi ngoại ngữ, kỹ năng để làm việc với khách hàng. Nhóm nhân lực này, theo ông Trung vừa quý vừa hiếm, công ty rất cần nhưng không dễ tuyển.

TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, lĩnh vực kinh doanh thương mại, tài chính ngân hàng có tỉ lệ nhu cầu việc làm rất cao. Trong 10 ngành/nghề có nhu cầu nhân lực cao của quý I/2023 thì kinh doanh thương mại chiếm 23,07%; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm 3,31%; marketing 3,27%…

Ông Vân thông tin, nhu cầu nhân lực quý II/2023 tại TPHCM dự kiến từ 67.000 – 73.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm gần 87%.

Dự báo đến năm 2025, mỗi năm thành phố cần 310.000-330.000 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành thương mại, điện tử – công nghệ thông tin, du lịch, tài chính – ngân hàng, giáo dục đào tạo, cơ khí…

Chuyên gia này nhấn mạnh, để phát triển nghề nghiệp của bản thân, nhân sự trẻ cần các yếu tố như tìm đúng nghề để phát triển năng lực, biết xác định mục tiêu, kế hoạch nghề nghiệp và xây dựng cho mình những giá trị hành nghề.

Công việc không hề ít, cơ hội không hề thiếu. Điều quan trọng nhất, theo các chuyên gia là liệu người lao động có đủ năng lực, đủ sự chuẩn bị để nắm bắt, để thích nghi, để dấn thân hay không.

Nhân sự học Oxford cũng phải đào tạo lại nhưng có một thứ không thể thiếu - 2
Cơ hội việc làm không thiếu, quan trọng nhân sự có sẵn sàng nắm bắt (Ảnh: H.N).

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng đại học Ngân hàng TPHCM chia sẻ, trên thị trường, nhân lực khối kinh tế – kinh doanh quản lý cung không đủ cầu. Như năm 2022, chỉ có khoảng hơn 550.000 thí sinh trúng tuyển đại học nhập học, trong đó khoảng 132.000 sinh viên học nhóm ngành nhân lực khối kinh tế – kinh doanh quản lý trong khi lĩnh vực này cần 170.000 đến 200.000 nhân lực mỗi năm.

Ông Trần Đình Vinh, Phó tổng giám đốc KPMG nêu quan điểm, ngoài kiến thức, ngoài chuyên môn, ngoài kỹ năng có một điều các bạn trẻ hiện nay cần phải chú ý chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt, sức khỏe về thể chất và cả về tinh thần thật lành mạnh.

Nguồn: dantri.vn

 

Tin tức Hay Zữ
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0