Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Nên hướng tới điều tiết thu nhập thay vì tăng thu ngân sách

Xoay quanh những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân, chuyên gia cho rằng, để giải quyết những tồn tại, việc sửa đổi cần hướng tới điều tiết thu nhập thay vì tăng thu ngân sách…

Theo đó, thời gian vừa qua, dư luận liên tục lên tiếng về việc chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có nhiều điểm bất hợp lý, lạc hậu nhưng chậm sửa đổi gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người nộp thuế. Các vấn đề bất cập được “chỉ mặt điểm tên” bao gồm: quy định phức tạp từ 7 bậc thuế lũy tiến từ 5% đến 35%; khoảng cách giữa bậc 1 và bậc 2 quá dày làm gia tăng đối tượng nộp thuế và số thuế phải nộp; thu nhập hơn 80 triệu đồng phải nộp thuế đến 35%; mức giảm trừ gia cảnh thấp: 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc là chưa đủ để người lao động bảo đảm cuộc sống bình thường ở đô thị lớn… Đồng thời, mức thu nhập vãng lai phải chịu thuế TNCN từ mức hai triệu đồng được quy định từ năm 2013 đến nay đã quá lạc hậu.

Đáng nói, trước những bất cập đã nêu, từ năm 2017, Bộ Tài chính từng thừa nhận, chính sách không còn phù hợp tình hình thực tiễn… Và, trong Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Thuế TNCN tại thời điểm đó, Bộ này từng đề nghị giảm 2 bậc của biểu thuế lũy tiến từng phần, đồng thời nới khoảng cách ở các bậc thuế, như bậc thuế đầu tiên có thuế suất là 5% với thu nhập 10 triệu đồng, thay vì 5 triệu đồng như hiện nay…

Những đề xuất này lập tức nhận được sự hoan nghênh của người nộp thuế, bởi với các sửa đổi đã nêu không chỉ giúp giảm gánh nặng cho người nộp thuế mà còn tăng tích lũy, tái tạo nguồn thu, kích cầu tiêu dùng trong nước. Thế nhưng cho đến nay, những giải pháp được đề xuất vẫn “chỉ nằm trên giấy”.

Mới đây, tại Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó, Luật Thuế TNCN tiếp tục được đề xuất nghiên cứu, rà soát và xem xét đưa vào nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện trong Chương trình năm 2023 – 2025.

Cụ thể, Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng Luật Thuế TNCN (sửa đổi) thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026). Trong đó, về định hướng sửa đổi, bổ sung, Dự thảo Tờ trình nêu, về bản chất, quy định về giảm trừ trước khi tính thuế bảo đảm nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh… Vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế.

Cùng với đó, việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, bảo đảm cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Chưa bàn đến tính cấp thiết và đỏi hỏi từ thực tế về việc sớm sửa đổi Luật Thuế TNCN, nhiều ý kiến cho rằng, nếu dự kiến đến 2026, Luật thuế TNCN (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì cần phải nghiên cứu sửa đổi nâng mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tới…

Đồng thời, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho người phụ thuộc phải phản ánh kịp thời những sự thay đổi về chi phí sinh hoạt của người nộp thuế tại thời điểm Luật thuế TNCN (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, như vậy mới góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người nộp thuế.

Thông tin với báo chí xoay quanh vấn đề này, ông Đinh Tuấn Minh – Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cần có căn cứ tính toán cụ thể để người nộp thuế thấy thỏa đáng. Để làm được như vậy, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về cách tính mức giảm trừ gia cảnh dựa trên các con số về thu nhập bình quân đầu người, nguồn dữ liệu và phương pháp tính chi tiêu cơ bản của người dân, cách tính thay đổi giảm trừ gia cảnh theo biến động của kinh tế – xã hội. Từ đó, xây dựng công thức tính cụ thể và điều chỉnh khi điều kiện phù hợp.

Theo ông Minh, chính sách về thuế TNCN cần hướng tới việc điều tiết thu nhập trong xã hội thay vì hướng tới việc tăng thu ngân sách Nhà nước. Mặt khác, cách tính cần đơn giản để tránh tình trạng thu được 10 đồng thuế của người dân, nhưng lại mất đến 10 đồng thuế cho bộ máy thực hiện thu.

Còn theo TS. Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, mức giảm trừ gia cảnh cần đáp ứng nhu cầu chi tiêu tối thiểu của người dân, phản ánh đà tăng chi phí cuộc sống trong một giai đoạn. Các số liệu thu thập đầu vào làm căn cứ để xây dựng mức giảm trừ gia cảnh cần được công khai về nguồn thông tin; mức giảm trừ gia cảnh cần được tham vấn ý kiến của cơ quan đại diện người lao động như tổ chức công đoàn, các tổ chức nghiên cứu độc lập.

Được biết, Luật Thuế TNCN ban hành vào năm 2007 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2009, lần sửa Luật gần nhất là vào cuối năm 2012, đến nay đã hơn 10 năm. Nếu theo kế hoạch tại Tờ trình của Bộ Tư pháp, người nộp thuế sẽ phải chờ ít nhất hơn 3 năm nếu dự Luật sửa đổi được thông qua. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là khoảng thời gian quá dài, nhất là khi những bất cập, tồn tại của Luật này đã và đang tạo ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người nộp thuế.

Gia Nguyễn

Nguồn: vn.investing.com

Tin tức Hay Zữ
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0