Dựa trên các tiêu chí về sở hữu, điều hành và tầm ảnh hưởng tại doanh nghiệp cũng như đến sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, dưới đây là top 3 doanh nhân góp phần quan trọng trong việc định hình bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam suốt thời gian qua.
1. Ông Phạm Nhật Vượng – Tập đoàn Vingroup
Là doanh nhân khởi nghiệp từ lĩnh vực sản xuất mì gói tại Ukraine với số vốn vỏn vẹn 10.000 USD, bằng sự nhạy bén và tầm nhìn rộng, ông Phạm Nhật Vượng đã chèo lái con tàu Vingroup trở thành “đế chế” hùng mạnh. Hiện nay, Vingroup là một tập đoàn đa ngành hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, kinh doanh bất động sản vẫn là mảng mang lại doanh thu lớn nhất và góp phần lớn vào lợi nhuận của tập đoàn.
Ông Vượng được biết đến là doanh nhân Việt Nam được Forbes công nhận là tỉ phú đô la đầu tiên từ năm 2013 với giá trị tài sản là 1,5 tỉ USD. Theo cập nhật mới nhất của Forbes, tài sản của ông Vượng đã cán mốc 8,25 tỉ USD, xếp hạng 195 trên danh sách người giàu thế giới.
Mới đây, ông Phạm Nhật Vượng được Bloobloop – Tạp chí danh tiếng và uy tín toàn cầu trong lĩnh vực giải trí, sáng tạo – vinh danh là một trong 50 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới, “góp phần định hình và thúc đẩy sự phát triển” ngành công viên vui chơi giải trí toàn cầu năm 2019 với tổ hợp Vinpearl Land Phú Quốc.
Vingroup nổi tiếng là tập đoàn tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam, với vốn hóa thị trường tính đến quý 3/2019 lên đến hơn 394.800 tỉ đồng, tương đương hơn 17 tỉ USD. Tập đoàn hiện đang đầu tư 8 lĩnh vực gồm bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí, bán lẻ, công nghiệp, công nghệ, y tế, giáo dục và nông nghiệp. Hệ sinh thái của Vingroup đang dần phủ kín toàn bộ nhu cầu sống của một con người.
Trong đó, bất động sản có đóng góp doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho Vingroup với 4 dòng thương hiệu chính gồm Vinhomes – hệ thống căn hộ, biệt thự và nhà phố thương mại; Happy Town – nhà ở cho người thu nhập thấp; Vincom Retail – trung tâm thương mại, mua sắm, vui chơi giải trí; VinOffice – hệ thống văn phòng cho thuê cao cấp.
Vinhomes là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản trung và cao cấp. Theo số liệu của CBRE Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 9 tháng 2019, Vinhomes chiếm tới 22% thị phần căn hộ đã bán tại Hà Nội và TP.HCM. Tính riêng phân khúc cao cấp, Vinhomes chiếm tới 40% thị phần. Vinhomes cũng đang sở hữu tổng diện tích quỹ đất lên tới 16.500ha.
Một loạt công trình chất lượng của Vingroup phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, nhà ở, mua sắm, thuê văn phòng… như Vinhomes Times City, Vinhomes Royal City, Vinhomes Riverside, Vinhomes Central Park, Vinhomes Gardenia; Vincom Center, Vincom Plaza, Vinpearl tại Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long,…
Đặc biệt, 2018 là năm đánh dấu một bước tiến mới của Vingroup khi tập đoàn này cho ra đời loạt thương hiệu VinFast, VinSmart, VinTech, Viện Dữ liệu lớn, Viện AI và gần đây nhất là ý tưởng về “Đại đô thị thông minh”. Điều này cho thấy những bước đi đầy quyết tâm của Vingroup trong định hướng trở thành một tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực trong tương lai.
2. Ông Lê Viết Lam – Tập đoàn Sun Group
Ông Lê Viết Lam sinh năm 1969 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ông đã có một thời gian dài hoạt động nổi bật và kinh doanh thành công tại thị trường Đông Âu. Năm 2007, ông Lam quyết định đầu tư ở Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng. Là nhà đầu tư đến sau, Sun Group chọn lối đi khác biệt, đã định vị dấu ấn riêng trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Một “đặc sản” mang dấu ấn riêng và làm nên tên tuổi của Sun Group phải kể đến là các dự án cáp treo mang nhiều kỷ lục thế giới. Đó là hệ thống cáp treo khu du lịch Bà Nà Hills Đà Nẵng; cáp treo lên “nóc nhà Đông Dương” – đỉnh núi Fansipan, Sapa; cáp treo vượt biển Hòn Thơm ở Phú Quốc; cáp treo Cát Bà, Hải Phòng… Chính vì thế, ông Lam còn được mệnh danh là “vua cáp treo”.
Sun Group cũng chính là chủ đầu tư và sở hữu hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, JW Marriott Phu Quoc, Premier Village Phu Quoc Resort,… Cùng với hệ thống công viên, tổ hợp vui chơi giải trí mang thương hiệu Sun World như Sun World Ba Na Hills, Sun World Halong Complex, Sun World Fansipan Legend,…
Những công trình của Sun Group thường được đầu tư bài bản và quy mô, góp phần ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Việc đầu tư cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch lớn kết hợp với các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, Sun Group đã mở ra những mảng thị trường du lịch mới, giúp nhiều điểm du lịch của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với du khách quốc tế.
Hiện nay, Sun Group đang có vốn điều lệ 7.542,5 tỉ đồng (tăng vốn tháng 9/2019). Tuy vậy, các dự án mà tập đoàn này đầu tư vào đều có vốn đầu hàng nghìn tỉ như Bà Nà Hills (8.500 tỉ đồng), Sun World Đà Nẵng (gần 4.400 tỉ đồng), Sun World Fansipan (trên 2.600 tỉ đồng), Sun World Hạ Long (7.780 tỉ đồng)…
Ngoài ra, đây cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư cảng hàng không ở Việt Nam. Hiện nay, Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn có tổng đầu tư 7.500 tỉ đồng đã góp phần không nhỏ vào phát triển ngành du lịch và bất động sản ở Quảng Ninh.
3. Ông Nguyễn Đình Trung – Tập đoàn Hưng Thịnh
Ông Nguyễn Đình Trung sinh năm 1972 tại miền Bắc nhưng có tuổi thơ khó khăn ở Hoài Nhơn, Bình Định. Đầu những năm 1990, ông vào TP.HCM học đại học ngành kế toán. Với khiếu kinh doanh cùng niềm đam mê và nhiệt huyết, năm 2002, bằng số tiền ít ỏi tích lũy từ việc đi làm thuê, ông Trung đã thành lập Công ty Hưng Thịnh, hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn – môi giới – cho thuê bất động sản. Khởi đầu Hưng Thịnh có vốn khoảng 6 tỉ đồng và gần 40 nhân sự.
Dưới sự dìu dắt của ông Trung, từ một công ty xuất phát điểm đơn thuần là môi giới sau chưa đầy 20 năm, Hưng Thịnh đã trở thành một trong những tập đoàn bất động sản lớn và danh tiếng bậc nhất Việt Nam. Hiện Tập đoàn Hưng Thịnh là ngôi nhà chung của gần 3.000 con người với gần 50 công ty thành viên cùng 12 văn phòng đại diện. Hưng Thịnh đã và đang phát triển gần 80 dự án thuộc nhiều loại hình bất động sản ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, dưới sự dìu đắt của ông Nguyễn Đình Trung, Hưng Thịnh đã có những bước phát triển đột phá nhờ chiến lược kinh doanh đúng đắn. Hưng Thịnh liên tục đi “săn” các dự án “chết lâm sàng” để hồi sinh trở lại.
Nhờ có bàn tay của Hưng Thịnh rất nhiều chung cư hiện đại, phù hợp với nhu cầu của thị trường dần hình thành và tạo ra sức sống mới cho bất động sản TP.HCM sau cơn khủng hoảng. Hưng Thịnh không chỉ là cứu cánh cho nhiều chủ đầu tư mà còn góp phần đáng kể trong việc “xử lý nợ xấu” cho nền kinh tế.
Một số dự án được công ty này hồi sinh có thể kể đến như Florita tại khu đô thị Him Lam (quận 7), 9 View (quận 9), Richmond City (Bình Thạnh), Moonlight Boulevard và Moonlight Park View (Bình Tân), Moonlight Residences (Thủ Đức), Sky Center (Tân Bình), Melody Residences (Tân Phú), 8X Plus (quận 12), 8X Thái An (Gò Vấp), 8X Đầm Sen (Tân Phú), 91 Phạm Văn Hai (Tân Bình),…
Những năm gần đây doanh nghiệp này từng bước thực hiện mở rộng thị phần sang phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng với nhiều dự án chiến lược. Trong đó đáng chú ý là dự án như Cam Ranh Mystery Villas, khu đô thị Golden Bay 602 (Cam Ranh, Khánh Hòa), Khu biệt thự Saigon Mystery Villas (quận 2, TP.HCM), Sentosa Villa (giai đoạn 2 tại TP.Phan Thiết, Bình Thuận), Khu đô thị Bien Hoa New City (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), Khu đô thị kiểu mẫu Baria City Gate (Bà Rịa – Vũng Tàu),…
Đặc biệt, trong thời gian tới Hưng Thịnh cũng thực hiện chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào việc ứng dụng công nghệ trên thị trường bất động sản. Ứng dụng công nghệ trong bán hàng, quản lý, phát triển Smart Home, Smart City… Hưng Thịnh rất kỳ vọng sẽ trở thành một trong những công ty bất động sản tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam.
>>> https://blog.hayzu.com/blog/nguyen-huu-duong-tu-nguoi-dap-xich-lo-den-ong-chu-doanh-nghiep-lon/ <<<