Từ Grab đến GoTo đều hụt hơi, Đông Nam Á đang trải qua “mùa đông gọi vốn”
Tính đến hết tháng 5, vốn đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á đạt 4 tỷ USD, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi suất toàn cầu tăng cao và hoạt động kinh doanh chậm lại của những gã khổng lồ công nghệ đã niêm yết như Grab của Singapore và GoTo của Indonesia đang đè nặng lên việc định giá các startup mới và tâm lý nhà đầu tư trong khu vực Đông Nam Á.
Tính đến ngày 31/5, vốn đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á trong năm nay đạt 4 tỷ USD, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin. Đây là mức thấp nhất kể từ nửa cuối năm 2019.
Vốn đầu tư vào Indonesia và Singapore lần lượt giảm 70% và 65% trong nửa đầu năm nay. Theo Nikkei Asia, nguồn vốn cho các startup ở Đông Nam Á đang hướng đến nửa năm tồi tệ nhất kể từ trước đại dịch.
Theo một chuyên gia, với triển vọng kinh tế khó khăn hơn, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đã chuyển trọng tâm từ cấp vốn cho các startup mới sang quản lý danh mục đầu tư. Sự suy giảm đặc biệt rõ ràng ở các nhà đầu tư tại Mỹ, những người đã đổ nhiều tiền vào Đông Nam Á trong đại dịch.
Đây được coi là lần đầu tiên hầu hết startup và quỹ đầu tư mạo hiểm tại khu vực phải trải qua “mùa đông gọi vốn”. Hoạt động kém hiệu quả của một số công ty công nghệ nổi bật của Đông Nam Á đã ảnh hưởng đến việc các quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng tài trợ cho những startup mới.
Grab và GoTo đã khiến các nhà đầu tư lo lắng với việc báo cáo tốc độ tăng trưởng giao dịch trong 3 tháng đầu năm đang chậm lại, phá vỡ chuỗi tăng trưởng 2 con số kể từ khi IPO.
Giá cổ phiếu của Grab đã giảm gần 15% ngày 18/5 sau khi công ty công bố tổng giá trị giao dịch được thực hiện qua nền tảng của họ chỉ tăng 3% lên 4,95 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch của GoTo chỉ tăng 6%.
Dù vậy, 2 gã khổng lồ này vẫn có người hậu thuẫn. Khoản lỗ ròng của Grab đã giảm 43% xuống còn 250 triệu USD trong quý I năm nay do hãng cắt giảm các chương trình khuyến mại. Khoản lỗ ròng của GoTo cũng giảm 41% xuống còn 260 triệu USD vì cắt giảm nhân sự và giảm khuyến mại.
Ryu Muramatsu, đối tác sáng lập của quỹ đầu tư GMO Venture Partners, cho biết sự chậm lại của các công ty dẫn đầu ngành đang có “tác động đáng kể” đến việc định giá những startup chưa niêm yết. Hiện mức định giá của Grab và GoTo đã giảm hơn một nửa kể từ khi IPO trong hơn 1,5 năm qua.
Trong số 195 thương vụ gọi vốn tính đến tháng 3 năm nay, chỉ có 5 thương vụ huy động được trên 50 triệu USD, theo DealStreetAsia. Đây là mức giảm 75% so với cùng kỳ năm trước.
Vishal Harnal, đối tác quản lý toàn cầu tại 500 Global, cho biết giá trị của các vòng cấp vốn thời gian gần đây giảm do kỳ vọng của nhà đầu tư thay đổi. Nguyên nhân là các nhà đầu tư có cái nhìn sâu sắc hơn về tính bền vững tài chính của các startup ngay từ sớm.
Cũng theo Harnal, quá trình thẩm định hiện nay đã “trở nên lâu hơn đáng kể”. Những giao dịch giai đoạn đầu được hoàn tất trong 4 tuần đổ lại vào năm ngoái thì năm nay phải mất tới 3 tháng.
Các startup ở Indonesia được đánh giá là những đơn vị gọi vốn thành công nhất ở Đông Nam Á trong giai đoạn đại dịch. Cuối năm 2021, công ty chuyển phát nhanh J&T Express đã huy động được 2,5 tỷ USD trong khi GoTo huy động được hơn 1,3 tỷ USD từ các nhà đầu tư trước đợt IPO vào tháng 4/2022.
Chua Kee Lock, CEO của Vertex Holdings, nhận xét: “Các nhà đầu tư mạo hiểm không có hoặc ít kinh nghiệm đầu tư về mảng công nghệ trong giai đoạn hưng thịnh quá mức đã rót vốn với tốc độ vội vàng mà ít quan tâm đến việc định giá”.
Một chuyên gia khác nhận định các điều kiện rót vốn sẽ vẫn chặt chẽ tại khu vực Đông Nam Á từ giờ đến hết năm.